Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tạo ra nhiều chuyển biến trên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những biến động lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng.

 Đối với doanh nghiệp nước ta, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thâm nhập thị trường với nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ mang tính đột phá.

Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp (DN) có cơ hội mở rộng thị trường phát triển. DN ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, sẽ có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt. Từ đó, thị trường của DN sẽ được mở rộng… Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay, có 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Điểm trung bình toàn ngành Công Thương là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên hay là chưa có sự chuẩn bị nào. 5 ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là: Dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện, khí đốt, nước và hóa chất. Đáng lưu ý, 3 ngành chủ lực của ngành Công Thương là: Cơ khí, dệt, may và da giày là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất. Tuy nhiên, trừ các DN ngành Dầu khí có sự bứt phá so với các ngành khác, sự khác biệt giữa các ngành nêu trên và các ngành còn lại không lớn và cả 17 nhóm ngành ưu tiên khảo sát đều thuộc nhóm đứng ngoài cuộc CMCN 4.0.

Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Ảnh 1

Kết quả này tương đồng với đánh giá tại Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 1/2018. Theo đó, so với 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với CMCN 4.0 (mức độ sơ khởi). So với các quốc gia ASEAN, Việt Nam nằm trong 4 nước kém tiếp cận CMCN 4.0 (cùng với Lào, Campuchia và Myanmar), trong khi các nền kinh tế có cơ cấu sản xuất và xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều có cấu trúc và động lực sản xuất cao hơn, mức độ sẵn sàng và tiềm năng cho phát triển sản xuất theo cuộc CMCN 4.0 nằm trong nhóm dẫn đầu, nhóm tiềm năng cao hoặc nhóm kế thừa.

CMCN 4.0 sẽ giúp DN tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khu vực. Thực tế cho thấy, việc các DN Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu do áp dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công nên chi phí sản xuất cao, khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa thấp.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ những thách thức lớn với các DN Việt Nam đó là, đa số các DN sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng nhiều nhân công chất lượng thấp sẽ khiến thị phần tại nhiều thị trường bị giảm nhất là các DN dệt may, da giày… Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay DN nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số DN, với nhiều hạn chế cơ bản như: Quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, mức vốn chỉ ở mức từ 4-7 tỷ đồng/DN; trình độ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu… Cùng với đó, 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990; khoảng 75% số máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, với những đòi hỏi về nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng những đổi thay về mặt công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, buộc các DN phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Ảnh 2

Yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề lớn nhất trong cuộc CMCN 4.0 do những thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực trong thị trường kỹ thuật số. Dự báo đến năm 2020, khu vực châu Âu có thể thiếu khoảng 825.000 chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật số. Do đó, CMCN 4.0 sẽ tạo ra một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong tương lai, trung bình 9% việc làm hiện nay có nguy cơ bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa; khoảng 47% các công việc hiện tại ở Mỹ có thể sẽ biến mất vì tự động hóa; 30% việc làm sẽ trải qua quá trình trang bị lại, bao gồm các kỹ năng mới. Khi thời kỳ robot hóa và tự động hóa lên ngôi, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. Các DN Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ, còn nhận thức chưa đầy đủ, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý DN, quản trị nhân sự để thích ứng với xu thế phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong bối cảnh CMCN 4.0. Nhiều DN chưa nhận thức rõ bản chất của CMCN 4.0, không nắm bắt kịp các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, chưa chủ động để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, quy trình không sẵn sàng, không xoay chuyển được mô hình tổ chức kinh doanh đáp ứng được với xu thế công nghệ.

Để tận dụng cơ hội của CMCN 4.0, đòi hỏi các DN phải có những nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình trong tiến trình đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bắt kịp thời cơ và vận hội của CMCN 4.0.

Một số giải pháp và khuyến nghị

Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Ảnh 3

Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 với những lộ trình và bước đi cụ thể, phù hợp không phải là chuyện riêng của DN. Bởi phần lớn DN của Việt Nam là DN vừa và nhỏ, thiếu tiềm lực đầu tư về vốn và công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất còn yếu, chưa có chiến lược kinh doanh, hạn chế về năng lực cạnh tranh. Để thúc đẩy DN Việt Nam chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0, cần tập trung thực hiện một số khuyến nghị và giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Thứ nhất, Nhà nước cần đặt DN vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; tiếp tục nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, DN; bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DN. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DN để phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ phát triển.

Thứ hai, xây dựng và hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập đón nhận CMCN 4.0 cho DN, trong đó đặc biệt quan tâm đến các DN nhỏ và vừa. Các DN khi đó có thể tham gia hiệu quả hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và đóng vai trò dẫn dắt trong các chuỗi giá trị nội địa và các cụm công nghiệp.

Thứ ba, khẩn trương đổi mới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề theo hướng hội nhập quốc tế, tạo và bổ sung để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu và làm chủ công nghệ thời kỳ CMCN 4.0.

Giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Ảnh 4

Thứ tư, thiết lập hệ thống thông tin với cơ sở dữ liệu luôn cập nhật đầy đủ và công bố công khai về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; về các kế hoạch, chương trình, dự án hoạt động của Nhà nước (trừ những chương trình, dự án bí mật quốc gia); thông tin về hoạt động, nghiên cứu trao đổi, tham khảo của các cơ quan, tổ chức về mọi mặt liên quan đến đời sống của DN, cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Thứ năm, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng DN về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0, xu hướng tất yếu của cuộc CMCN 4.0.

Nguồn: Tapchitaichinh.Vn

Bài viết liên quan

doi tac